<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=3257513757820642&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Chứng quyền là gì? Hướng dẫn cách chơi chứng quyền chi tiết nhất

Chứng quyền (CW) là một trong những sản phẩm phái sinh được ra mắt giữa năm 2019. Với số vốn thấp, tỷ lệ đòn bẩy cao và mức độ thua lỗ phụ thuộc vào chính số tiền bỏ ra ban đầu, CW đã thu hút không ít các Traders và dần trở nên phổ biến hơn. Hãy cùng Anfin tìm hiểu chứng quyền là gì và cách chơi CW chi tiết nhất thông qua bài viết dưới đây nhé!

 

Chứng quyền là gì?

Trước hết, nhà đầu tư cần tìm hiểu khái niệm chứng quyền là gì. Chứng quyền (tiếng anh là Stock Warrant) được xem là một loại chứng khoán được phát hành bởi doanh nghiệp. Nhà đầu tư có quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó trong tương lai tại mức giá đã xác định trước.

cách mua chứng quyền

Ví dụ: CTCT FPT phát hành chứng quyền FPTS giá 2,000đ/ CW, kỳ hạn 01 năm. Người sở hữu CW này sẽ được mua cổ phiếu FPT với giá 85,000đ/ cổ phiếu.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn có quyền mua cổ phiếu FPT với giá 85.000 đồng/ cổ phiếu bất kể giá thị trường có tăng/ giảm ra sao. Trong trường hợp giá cổ phiếu FPT còn 80.000đ/ cổ phiếu, bạn có thể thực hiện quyền không mua và mất 2,000đ/ CW.

Chứng quyền có đảm bảo là gì?

Chứng quyền có bảo đảm (tiếng anh là Covered Warrant – CW) được xem là chứng khoán có tài sản đảm bảo do tổ chức tài chính phát hành. Hiểu một cách đơn giản, CW cung cấp cho nhà đầu tư quyền hưởng giá chênh lệch của cổ phiếu. Nếu đang sở hữu và có lãi, nhà đầu tư có thể hiện thực hóa lợi nhuận thông qua việc bán trực tiếp trên sàn hoặc chờ đến ngày đáo hạn.

chứng quyền có đảm bảo là gì

Nếu bạn dự đoán rằng giá cổ phiếu tăng; thay vì bạn bỏ tiền để mua và sở hữu toàn bộ cổ phiếu; chứng quyền đảm bảo sẽ cung cấp cho bạn quyền hưởng chênh lệch giá của cổ phiếu; mà không phải bỏ ra số tiền quá lớn để sở hữu cả cổ phiếu đó.

Có hai loại CW: chứng quyền muachứng quyền bán

  • CW mua là loại mà người sở hữu nó được quyền mua một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.
  • CW bán là loại mà người sở hữu được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

Tuy nhiên theo quy định hiện tại của Uỷ Ban Chứng Khoán và Sở giao dịch HSX thì các Công ty chứng khoán chỉ phép được phép phát hành Chứng quyền mua.

Cách đọc thông tin cơ bản 1 chứng quyền

Mỗi CW có một mã giao dịch riêng tương tự như cổ phiếu, được quy ước theo quy tắc nhất định bao gồm các thông tin:

[C][Mã chứng khoán][Thời gian][Thứ tự phát hành]

Ví dụ: Chứng quyền có mã CHPG2102. Trong đó: “C” là ký tự cho biết đây là CW, HPG là chứng khoán cơ sở được chọn làm tài sản hoán đổi, “21” là năm phát hành (2021) và “02” là đợt phát hành thứ 2 cho mã HPG (trước đó HPG đã có tổ chức phát hành CW).

cách đọc thông tin chứng quyền

Các trạng thái của chứng quyền mua

Như đã nói ở trên, hiện tại các công ty chứng khoán chỉ được phép phát hành chứng quyền mua cho nhà đầu tư. CW mua có 3 trạng thái: Trạng thái lãi, trạng thái hòa vốn và trạng thái lỗ.

Tại thời điểm đáo hạn, nếu chứng quyền ở:

  • Trạng thái có lãi: NĐT được nhận phần lãi chênh lệch
  • Trạng thái hòa vốn và trạng thái lỗ: NĐT không được nhận thanh toán chênh lệch

Trạng thái của CW không phải là Lãi/ lỗ của nhà đầu tư. Để tính lãi lỗ tại đáo hạn, nhà đầu tư sử dụng số tiền được nhận từ CTCK trừ đi chi phí vốn mua CW.

Nếu bạn là người mới tìm hiểu về chứng khoán và chưa biết bắt đầu tư đâu. Tham khảo bài viết Hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu của Anfin. Các thông tin, khái niệm cơ bản về chứng khoán sẽ được đề cập trong bài viết này.

Các đặc điểm của chứng quyền có đảm bảo

Thông thường, chứng quyền có đảm bảo thu hút nhà đầu tư bởi những yếu tố sau:

  • Được niêm yết với mã giao dịch riêng trên các sàn chứng khoán.
  • CW có đảm bảo (CW) hoạt động như một loại chứng khoán cơ sở (CKCS) thông thường.
  • Ủy ban Chứng khoán (UBCK) nhà nước sẽ chịu trách nhiệm cấp phép cho các công ty chứng khoán được phép phát hành CW có đảm bảo.
  • CW luôn được liên kết với 1 mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ xác định lãi hay lời.
  • Mức vốn bỏ ra để mua CW thấp và có khả năng nhận lại khoản sinh lời tương đương đầu tư vào cổ phiếu.
  • Khoản lỗ tối đa được giới hạn ngay tại thời điểm bắt đầu mua.
  • Không áp lực Call margin khi giao dịch CW.

Margin là gì? Margin diễn tả việc vay tiền từ các công ty chứng khoán để đầu tư. Tìm hiểu thêm khi nào nên vay và cách sử dụng.

Kiến thức cơ bản cần biết để giao dịch chứng quyền

Để bắt đầu giao dịch, nhà đầu tư cần nắm rõ những khái niệm sau:

  • Mua - Bán chứng quyền: Có 02 cách để nhà đầu tư mua CW, đó là mua trên thị trường sơ cấp (đăng ký mua trực tiếp từ tổ chức phát hành) hoặc mua trên thị trường thứ cấp (mua trên sàn giao dịch sau khi CW niêm yết).
    Tương tự với giao dịch mua, nếu muốn bán chứng quyền, nhà đầu tư có thể bán cho tổ chức phát hành, bán lại cho nhà đầu tư khác qua sàn giao dịch hoặc chờ đến ngày CQ đáo hạn, các tổ chức phát hành sẽ hạch toán lời lỗ và thanh toán cho nhà đầu tư.
  • Tài khoản giao dịch: Chứng quyền giao dịch như một cổ phiếu nên bạn không cần mở mới tài khoản mà sử dụng chung tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở.
  • Thời gian giao dịch và các phiên đóng cửa, mở cửa sẽ tương tự như thời gian giao dịch cổ phiếu trên HOSE, với khối lượng giao dịch tối thiểu là 10 chứng quyền.
  • Thời gian thanh toán: Bù trừ đa phương, T+2

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá của chứng quyền

  • Giá thị trường của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền: là hai yếu tố quan trọng quyết định giá trị nội tại của CQ. Sự khác biệt giữa hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá của chúng.
  • Thời gian đáo hạn: đại diện cho giá trị thời gian của chứng quyền, thời gian đáo hạn càng dài thì giá trị càng cao.
  • Biến động giá chứng khoán cơ sở: là mức độ mà giá chứng khoán cơ bản dao động. Nếu phạm vi giá của chứng khoán cơ bản cao hơn, nhà đầu tư có lợi hơn (nghĩa là chênh lệch giữa giá của chứng khoán cơ bản và giá thực hiện của quyền chọn càng lớn), do đó giá cũng cao.
  • Lãi suất: lãi suất tăng / giảm cũng ảnh hưởng đến việc xác định giá.

Ví dụ, khi nhà đầu tư mua chứng quyền mua, nhà đầu tư đã trì hoãn việc thanh toán giá thực hiện cho đến ngày hết hạn. Việc trì hoãn này giúp nhà đầu tư tiết kiệm một khoản tiền so với việc mua ngay chứng khoán cơ bản, và khoản tiết kiệm được hưởng lợi tức.

Khi lãi suất tăng, khoản thu nhập của nhà đầu tư sẽ lớn hơn. Do đó, nhà đầu tư phải trả nhiều tiền hơn cho chứng quyền mua và ít hơn đối với chứng quyền bán.

Cách tính giá chứng quyền

Thời điểm xác định giá chứng quyền

Có 2 thời điểm để xác định giá của Chứng quyền:

  • Thời điểm IPO: Công ty chứng khoán chịu trách nhiệm phát hành sẽ đưa ra một mức giá nhất định.
  • Sau khi phát hành: Dựa trên mã chứng khoán cơ sở, giá của chứng quyền đảm bảo sẽ có một vài biến động.

Nhà đầu tư khi đã mua các chứng quyền đã được niêm yết trên sàn giao dịch có thể bán lại.

thời điểm xác định giá chứng quyền

Chứng quyền có đảm bảo có quy định thời gian đáo hạn, nên nhà đầu tư có thể giữ đến thời điểm này để có được một khoản chênh lệch bằng tiền mặt. Phần chênh lệch này được tính dựa trên giá thực hiện (là mức giá không đổi đã được quy định rõ vào thời điểm nhà đầu tư mua CQ) và giá thanh toán tại ngày đáo hạn (là mức giá trung bình của 5 phiên giao dịch trước thời điểm đáo hạn).

Các công ty chứng khoán trước khi phát hành đều phải có một lượng chứng quyền nhất định để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành, bởi vì các công ty chủ quản không được phép phát hành thêm.

Công thức tính giá chứng quyền

cach-tinh-gia-chung-quyen

Giá chứng quyền được tính bằng công thức sau:

Giá chứng quyền = Giá trị nội tại + Giá trị thời gian

Trong đó:

  • Giá trị nội tại: bị ảnh hưởng bởi sự chênh lệch của giá của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện. Do vậy, chỉ những chứng quyền có lãi mới có giá trị nội tại dương.
  • Giá trị thời gian: Là chênh lệch giữa giá CQ trên thị trường với giá trị nội tại. Thông thường giá trị này sẽ giảm theo thời gian và gần bằng 0 khi đến ngày đáo hạn.

Giá tính theo công thức này được sử dụng phổ biến trên thị trường đầu tư chứng khoán. Mức giá này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự biến động của thị trường. Giá trị của chứng khoán cơ sở khi giao dịch trực tiếp trên sàn có thể tăng hoặc giảm.

Do đó, nhà đầu tư cần phải xác định, đánh giá và phân tích xu hướng tăng trưởng của chứng quyền cơ sở . Từ đó bạn mới có thể đi đến quyết định có nên đầu tư vào hay không.

Cách tính giá chứng quyền tại thời điểm đáo hạn

Ngày đáo hạn chứng quyền là ngày cuối cùng CW có hiệu lực. Hay nói cách khác, nhà đầu tư sẽ không thể sử dụng bất kỳ chứng quyền nào khi vượt qua ngày này.

Để tránh sai sót trong quá trình giao dịch, bạn cần phân biệt giá chứng quyền, giá thực hiện hay giá thanh toán để biết được giá áp dụng ở ngày đáo hạn là gì.

  • Giá chứng quyền: là giá nhà đầu tư trả ban đầu để nắm giữ chứng quyền.
  • Giá thanh toán: là giá bình quân của chứng khoán cơ sở trong 5 ngày giao dịch gần nhất (không bao gồm ngày đáo hạn).
  • Giá thực hiện: là giá bằng giá mua của chứng khoán cơ sở khi đáo hạn.
  • Tỷ lệ chuyển đổi: số lượng chứng quyền nhà đầu tư cần có để thực hiện quyền mua 01 chứng khoán cơ sở.

Vào ngày đáo hạn, nếu giá thanh toán của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện của chứng quyền, nhà đầu tư sẽ nhận được phần chênh lệch bằng tiền.

Số tiền thanh toán mà nhà đầu tư nhận được sẽ được tính như sau:

Tiền thanh toán cho/ chứng quyền = (Giá thanh toán – Giá thực hiện)/ Tỷ lệ chuyển đổi

Người ta đầu tư vào chứng quyền với kỳ vọng những chứng khoán cơ sở sẽ tăng trưởng cao hơn hiện tại. Như vậy, chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện là dương. Khi ấy, nhà đầu tư mới có lời từ việc đầu tư.

Cách tính giá trần - sàn

Giá trần/ sàn trong ngày giao dịch đầu tiên và ngày giao dịch thông thường của chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu được xác định như sau:

  • Giá trần = Giá tham chiếu CQ + (Giá trần của cố phiếu cơ sở – Giá tham chiếu của cổ phiếu cơ sở) x1/Tỷ lệ chuyển đổi
  • Giá sàn = Giá tham chiếu CQ – (Giá tham chiếu của cổ phiếu cơ sở – Giá sàn của cố phiếu cơ sở) x1/Tỷ lệ chuyển đổi

Trường hợp giá sàn của chứng quyền nhỏ hơn hoặc bằng không (0), giá sàn sẽ là đơn vị yết giá nhỏ nhất bằng 10 đồng.

Ví dụ: Giá chứng khoán cơ sở là 100,000 đồng, biên độ dao động 7%, giá trần 107.000 đồng, giá sàn 93.000 đồng, giá tham chiếu CW 5.000 đồng, tỷ lệ chuyển đổi 2:1

  • Giá trần CW = 5.000 + (107.000-100.000)*1/2 = 8.500 đồng
  • Giá sàn CW = 5.000 – (100.000-97.000)/*1/2 = 1.500 đồng

Xem thêm: Giá trần và giá sàn là gì? Trong một phiên giao dịch chứng khoán, giá trần và giá sàn là một mức giá nhất định mà nhà đầu tư sử dụng để đặt lệnh.

Ví dụ chi tiết nhất khi giao dịch chứng quyền

Ngày 13/06/2019, nhà đầu tư A mua 1,000 chứng quyền trên cổ phiếu FPT (Giá hiện tại của FPT là 45,000 đồng) với các thông số sau:

  • Tỷ lệ chuyển đổi: 2:1
  • Thời hạn CW: 3 tháng
  • Ngày đáo hạn: 11/09/2019
  • Giá thực hiện 45,000 đồng
  • Giá CW: 1,900 đồng/CW

Vậy số tiền nhà đầu tư A phải trả để mua 1,000 CW FPT là: 1000 * 1.900 = 1.900.000 đồng

Sau 02 tháng:

Giả sử giá một chứng quyền mua trên thị trường là 2.500 đồng. Nhà đầu tư có thể chốt lời bằng việc bán lại CW ngay thời điểm này trên sở Giao dịch chứng khoán.

Mức lời của nhà đầu tư = 1000 x (2500-1900)= 600.000 đồng

Vào ngày đáo hạn:

Giả sử Nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và giá thanh toán đối với cổ phiếu FPT là 60.000 đồng.

Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho Nhà đầu tư số tiền là: 1000/2(60.000-45000)=7.500.000 đồng

Mức sinh lời của nhà đầu tư là:

7.500.000 đồng- 1.900.000 đồng ( tổng số tiền bỏ ra để sở hữu CW) = 5.600.000 đồng

Lợi ích khi đầu tư vào chứng quyền

Tỷ suất sinh lợi cao

Giá CW dao động rộng, về lý thuyết giá CW có thể dao động hơn 100% -200% trong vòng 1 ngày. Do đó, tài khoản có thể sẽ tăng gấp đôi, gấp ba kể từ khi nhà đầu tư mua CW đến ngày CW về (T + 2). Điều này là không thể đối với cổ phiếu cơ sở vì biên độ 1 ngày chỉ là 7% -15% tùy thuộc vào sàn HNX, HSX hay Upcom.

Xác định mức lỗ tối đa, lợi nhuận không giới hạn

Nếu giá của chứng quyền cơ bản không biến động như mong đợi, nhà đầu tư sẽ chỉ bị lỗ tối đa bằng mức phí bảo hiểm của chứng quyền mua. Mức phí này chỉ bằng 7% -15% giá mua CKCS.

Giao dịch dễ dàng, tương tự như chứng khoán cơ sở

Nhà đầu tư có thể mua và bán chứng quyền trên tài khoản chứng khoán cơ sở mà không cần mở tài khoản mới. Nhà đầu tư không cần mở tài khoản chứng khoán với công ty chứng khoán phát hành CW mà vẫn có thể giao dịch CW trên sàn giao dịch.

Vốn đầu tư thấp so với mua chứng khoán cơ sở

Nhà đầu tư không cần phải bỏ ra nhiều tiền để mua chứng khoán cơ sở mà chỉ cần đầu tư một số tiền nhỏ (7% -15%) để mua chứng quyền.

Không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư hoàn toàn có thể thanh toán tại ngày đáo hạn bằng tiền mặt. Do đó, những nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua chứng quyền của những cổ phiếu đã hết room.

Rủi ro khi đầu tư vào chứng quyền

Mất phí mua chứng quyền

Khi ngày đáo hạn giá thanh toán (bình quân 05 phiên giao dịch cuối cùng trước ngày đáo hạn) nhỏ hơn hoặc bằng giá thực hiện chứng quyền đối với CW mua, nhà đầu tư sẽ không được nhận thanh toán chênh lệch và mất toàn bộ phần phí mua.

Biến động mạnh theo giá chứng khoán cơ sở

Do đòn bẩy chứng quyền cao nên giá sẽ biến động dữ dội theo giá chứng khoán cơ sở. Ví dụ, giá cổ phiếu A là 100.000 đồng thì biên độ giá trong ngày là 93.000 - 107.000 đồng , và giá cổ phiếu A chứng quyền là 8.000 đồng, với khoảng giá giới hạn trên 1 - 15.000 đồng.

Vòng đời giới hạn

Khi đáo hạn, nhà đầu tư sẽ nhận được chênh lệch (nếu có) từ công ty phát hành CW. Sau khi hết hạn, CW sẽ không còn được niêm yết trên sàn chứng khoán và không còn giá trị.

Tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán

Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư phần lãi chênh lệch khi đến hạn, do đó nhà đầu tư chịu rủi ro không nhận được phần lãi này khi tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, SEC đã ban hành quy định về bảo hiểm rủi ro và thanh toán tiền ký quỹ: tổ chức phát hành phải mua chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro tăng giá chứng quyền, và phải ký quỹ 50% của số tiền huy động được vào đợt phát hành CQ.

Lời kết

Hy vọng bài viết trên của Anfin có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về định nghĩa chứng quyền là gì cũng như cách tính giá và giao dịch nó một cách hiệu quả và an toàn. Việc nắm bắt chính xác các thông tin và giá trị thanh khoản của chứng quyền sẽ giúp bạn có được chiến lược đầu tư hiệu quả và lâu dài trong tương lai.

Nguồn tham khảo: thebusinessprofessor.com

Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin

  • Mở tài khoản chỉ mất vài phút
  • Đầu tư tích lũy chỉ từ 10.000đ
  • Học kiến thức và theo dõi tin tức cùng Cộng đồng miễn phí

Đăng ký cập nhật thông tin từ Anfin

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới nhất.
send

Cảm ơn bạn đã đăng ký

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới.

Tải Anfin ngay để bắt đầu hành trình
đầu tư an toàn và đơn giản ..