<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=3257513757820642&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Cùng Anfin nhìn lại 11 dấu mốc kinh tế Việt Nam trong năm 2021

Nguồn bài viết: Cafe F

Năm 2021, nền kinh tế, xã hội Việt Nam chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với các chính sách kịp thời và đúng đắn, Việt Nam đã trở về trạng thái bình thường mới vào cuối năm. 

Hãy cùng Anfin điểm qua những dấu mốc quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

dau-moc-kinh-te-cua-viet-nam-2021

1. Chiến lược của năm: Chiến lược vaccine Covid-19

Đến nay, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất. Tỷ lệ tiêm cũng nhanh chóng đạt được những con số đáng ghi nhận. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, của ngành y tế và cả người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện thân của chiến lược vaccine không chỉ là Quỹ vaccine – huy động được tới 8.800 tỷ đồng, mà còn là hoạt động ngoại giao vaccine, là hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine, là chiến dịch tiêm chủng thần tốc, lớn nhất lịch sử… với những kết quả vô cùng ấn tượng.

Công tác ngoại giao đã giúp Việt Nam tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine, trong đó mua từ ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là hơn 88 triệu liều, vượt mục tiêu 150 triệu liều Chính phủ đề ra. 

Thứ hai là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước. Đáng mừng là doanh nghiệp Việt Nam vừa tự nghiên cứu (Nanogen), vừa ký được các hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine (Vingroup, Sovico và T&T). 

Và yếu tố quan trọng thứ ba trong chiến lược là tiêm vaccine. Với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm, đến hết ngày 16/12, Việt Nam tiêm được hơn 135 triệu liều, đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt.

2. Doanh nghiệp thiện nguyện của năm: Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Theo số liệu tới tháng 6/2021, tập đoàn Vingroup đóng góp với tổng trị giá hơn 2.287 tỷ đồng, gồm nhiều hoạt động khác nhau tài trợ 4 triệu liều vaccine, hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trang thiết bị y tế, tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 “Made in Vietnam” COVIVAC,...

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã tài trợ 1.450 tỷ đồng ủng hộ quỹ vaccine vào cuối tháng 5/2021 và kêu gọi các doanh nghiệp khác đóng góp gần 600 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch thông qua nhiều hoạt động khác.

Khi TP. HCM vận động các doanh nghiệp cùng tham gia, chung tay xây dựng nhiều Bệnh viện Dã chiến (BVDC), Vạn Thịnh Phát tài trợ BVDC số 5 với quy mô 1.000 giường bệnh trên cơ sở cải tạo từ Trung tâm thương mại The Garden mall. Hai BVDC khác là BV nằm trên đường Đào Trí (Quận 7) và BVDC 9AB (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) với tổng quy mô giường bệnh lên tới 7.000 giường cũng được tập đoàn này đầu tư, thi công và bàn giao vào đầu tháng 8/2021. Vạn Thịnh Phát cũng chính là doanh nghiệp tài trợ 25 triệu liều vaccine Verocell, được phân bố cho 25 tỉnh thành vào tháng 9/2021.

3. Tỷ phú của năm: Trần Đình Long

Năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, Trần Đình Long là lựa chọn xứng đáng cho hạng mục tỷ phú của năm. Vào ngày 6/12, giá trị tài sản của ông Long theo dữ liệu của Forbes đạt 3,2 tỷ USD, xếp hạng 1.444 người giàu nhất thế giới. Đã từng có thời điểm, cổ phiếu HPG tăng 92% so với cuối năm trước, tuy nhiên dữ liệu tại thời điểm 7/12, giá cổ phiếu HPG tăng 53,6% so với cuối năm ngoái.

Sau khi dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 đi vào vận hành ổn định, lần đầu tiên trong lịch sử sản lượng bán hàng của Hòa Phát đã vượt 8 triệu tấn, tăng 33% cùng kỳ năm trước.

Mặc dù thị trường thép xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, tuy nhiên năm nay cũng là năm đầu tiên sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tôn mạ cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ 2020.

Ngoài thép, năm 2021, ông Long còn tập trung mở rộng mảng bất động sản. Hòa Phát cũng đẩy mạnh triển khai dự án sản xuất vỏ container tại Bà Rịa -Vũng Tàu công suất khoảng 200.000 TEU, dự kiến chạy thử cho ra sản phẩm vào quý III/2022 và đẩy mạnh sản phẩm điện máy.

4. Ngân hàng của năm: VPBank

Trong năm 2021, VPBank nổi bật với thương vụ bán 49% vốn cổ phần tại FE Credit cho SMBC, thu về gần 1,4 tỷ USD. Sau thương vụ này, cùng với lợi nhuận để lại các năm trước, VPBank chia cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 80% - cao nhất ngành ngân hàng. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đến cuối năm 2021 dự kiến đạt 90.000 tỷ đồng.

Năm 2021 cũng là thời điểm VPBank hoàn thiện chiến lược phân khúc khách hàng để chuyển đổi từ một “lending bank” thành một ngân hàng đa năng. 

Tại thời điểm cuối quý 3/2021 – quý cuối cùng Fe Credit còn là công ty con của VPBank, tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ đã tăng lên 93%, FE Credit chỉ còn đóng góp 7% thay vì mức trên dưới 50% những năm trước. 

Tính đến cuối tháng 11/2021, VPBank tiếp tục là ngân hàng đứng số 1 toàn hệ thống về CIR với tỷ lệ khoảng 23% (mất 23 đồng chi phí để làm ra 100 đồng doanh thu, trong khi các ngân hàng khác khoảng 34-35 đồng). VPBank cũng đứng số 1 toàn hệ thống về NIM (biên lãi ròng) với 8,5%; số 1 về thẻ tín dụng đang lưu hành cũng như giá trị giao dịch. Lợi nhuận 11 tháng đạt trên 14.000 tỷ đồng.

5. Chiến dịch của năm: Làn sóng chuyển đổi số

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi các hoạt động làm việc, học tập, mua sắm, giải trí… Chưa khi nào ngành giáo dục chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trong chuyển đổi số như vậy.

Thói quen thanh toán của người dân cũng thay đổi rõ rệt. Từng là quốc gia có tỷ lệ thanh toán tiền mặt thuộc nhóm cao nhất khu vực, hiện Việt Nam ghi nhận tỷ lệ thanh toán không tiền mặt gia tăng, các hình thức thanh toán như ví điện tử, QR code… rất được ưa chuộng.

Từ tháng 12/2021, 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và VNPT đã được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, năm 2021 cũng ghi nhận những thay đổi bứt tốc của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, với hầu hết doanh nghiệp coi đây thực sự là cơ hội “sống còn” giai đoạn sắp tới.

Cùng với đó, 2 dự án quan trọng trong năm đầu tiên Việt Nam theo chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 phải kể đến, đó là hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân.

6. Công ty chứng khoán của năm: VNDirect

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi những kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Sự thăng hoa của thị trường đã giúp nhóm công ty chứng khoán hưởng lợi lớn và cái tên nổi bật nhất năm qua phải kể tới VNDirect (Mã CK: VND).

9 tháng đầu năm, VNDirect đạt 1.545 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số kỷ lục từ trước tới nay, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành vượt 76% kế hoạch được ĐHCĐ thông qua đầu năm. Với kết quả tăng trưởng ngoạn mục, VNDirect đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2021 lên 1.600 tỷ đồng và gần như hoàn thành mục tiêu điều chỉnh chỉ sau 9 tháng.

Dư nợ cho vay của VNDirect lên hơn 11.300 tỷ đồng vào cuối quý 3, tăng 141% so với đầu năm và là công ty chứng khoán niêm yết có tăng trưởng dư nợ ấn tượng nhất. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, VNDirect đã sớm đẩy mạnh tăng vốn và hiện đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn lên hơn 12.000 tỷ đồng, qua đó trở thành một trong hai công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

VNDirect cũng cho thấy sức hút lớn với khách hàng nhờ sự đầu tư mạnh về dịch vụ, công nghệ.

cac-dau-moc-2021-nen-kinh-te-viet-nam

7. Công ty bất động sản của năm: Masterise Group

Tiền thân của Masterise Group là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập vào năm 2007. Đến năm 2019, Thảo Điền Investment chính thức đổi tên thành Masterise Group và nhanh chóng mở rộng thành một hệ sinh thái đa ngành với hàng loạt công ty mang thương hiệu Masterise. Sau những thương vụ đình đám, tập đoàn này hiện phát triển tới 11 dự án lớn gắn với thương hiệu Masterise Homes.

Tại TP.HCM, Masterise Group nổi đình đám sau thương vụ thâu tóm dự án căn hộ Centennial Sài Gòn thuộc khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son từ Alpha King và khu phức hợp Spirit of Saigon tại khu đất tứ giác Bến Thành.

Ở Hà Nội, Masterise Homes phát triển dự án hạng siêu sang có tên The Grand Hanoi trên khu đất vàng rộng hơn 4.000m2 ở Hàng Bài của Tân Hoàng Minh. Dự án này cũng lập kỷ lục giá nhà tại Việt Nam với mức 35.000 USD/m2 (gần 800 triệu đồng/m2).

Ngoài ra, Masterise Homes còn nhận chuyển nhượng 2 khu đất từ Vinhomes tại 2 dự án là Vinhomes Grand Park Quận 9 (Tp.HCM) và Vinhomes Ocean Park (Hà Nội) để phát triển dự án căn hộ hạng sang tại đây.

Trong năm qua, Masterise Homes còn có bước đi chiến lược khi ký hợp tác với Marriott International, phát triển các dự án bất động sản hàng hiệu đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM. Masterise Homes cũng là đơn vị tiên phong tung ra giải pháp “Home for Home - Nhà đổi nhà”, được xem là chính sách bán nhà vượt trội trên thị trường.

8. Cuộc “giải cứu” của năm: Xử lý sự cố nghẽn lệnh HoSE

Từ cuối quý 4/2020, hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh. Sự cố kéo dài xuyên suốt 6 tháng đầu năm 2021 gây không ít khó khăn cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.

Dù rất nỗ lực với những giải pháp như nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 đơn vị, khoán lệnh cho từng công ty chứng khoán hay tạm chuyển niêm yết doanh nghiệp sang sàn HNX nhưng HoSE vẫn không giải quyết triệt để được “căn bệnh” này.

Tại Hội nghị "Đối thoại Việt Nam 2045", lãnh đạo Tập đoàn Sovico và FPT đã đề xuất Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia xử lý vấn đề nghẽn hệ thống tại sàn HoSE. Kết quả sau 3 tháng, hệ thống mới do 2 tập đoàn này thực hiện đã hoạt động thông suốt, an toàn từ ngày 5/7/2021 với năng lực xử lý gấp 3-5 lần hệ thống cũ, lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày.

Nhờ những đóng góp của Sovico và FPT, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước lên tầm cao mới, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. VN-Index đã có lúc chạm mốc lịch sử 1.500 điểm, thanh khoản thị trường tăng kỷ lục lên 44.000 tỷ/phiên (19/11) với 1,5 tỷ cổ phiếu được giao dịch.

9. Màn ra mắt ấn tượng của năm: VinFast

Không chỉ trong nước, báo chí quốc tế cũng rất bất ngờ với sự xuất hiện của một thương hiệu ô tô điện – một sản phẩm được xem là kết tinh những công nghệ cao nhất của ngành công nghiệp ô tô - đến từ Việt Nam. Trang Business Insider cho rằng VinFast là “người thách thức” Tesla ngay trên sân nhà. Mike Rutherford của Auto Express, sau khi chứng kiến màn ra mắt của VinFast tại Los Angeles Auto Show, nhận định Việt Nam có cơ hội lọt vào top 4 trong ngành công nghiệp ô tô châu Á.

Ra mắt 2 mẫu ô tô điện VF e35 e36 với cam kết bàn giao sản phẩm đến tay khách hàng vào cuối năm 2022, hãng ô tô điện đến từ Việt Nam cũng đã công bố lộ trình rõ ràng phủ sóng tại các thị trường hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan và Đức trong năm 2022.

VinFast VF e35 được định vị ở phân khúc SUV cỡ D trong khi e36 là hạng E. Cả 2 đều sở hữu động cơ điện kép công suất 402 mã lực, mô men xoắn cực đại 640 Nm kèm hệ dẫn động 4 bánh. Tầm hoạt động của VF e35 dự kiến ở mức 460-510 km trong khi e36 là 485-680 km. 

Màn ra mắt ô tô điện VinFast tại Los Angeles Auto Show được truyền hình trực tiếp tại Times Square – nơi được coi là “đại lộ danh vọng” của thế giới.

10. Thương vụ của năm: VPBank bán hết 49% vốn FE Credit

Ngày 28/4/2021, VPBank công bố thương vụ chuyển nhượng 49% vốn cổ phần tại FE Credit cho công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản - SMBC CF, công ty con do tập đoàn SMBC sở hữu 100%. FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD, tương đương với việc VPBank nhận về khoảng 1,4 tỷ USD. Đến cuối tháng 10/2021, thương vụ này chính thức được hoàn tất.

Đây được đánh giá là thương vụ “bom tấn”, bởi trước đó, chưa một tổ chức tín dụng nào, kể cả một ngân hàng thương mại hàng đầu bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, có thể nhận được khoản tiền lớn đến như vậy.

FE Credit là công ty tài chính lớn nhất Việt Nam nhưng mức định giá 2,8 tỷ USD vẫn khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Bởi với định giá này, FE Credit đã vượt vốn hoá của hàng loạt ngân hàng thương mại lớn đang niêm yết trên HoSE như HDBank, TPBank, SHB, OCB…

Sau khi bán 49% cho SMBC, Moody’s đã nâng hạng xếp hạng tín nhiệm CFR của FE Credit từ B1 lên Ba3. Việc thăng hạng tín nhiệm này sẽ mở ra triển vọng huy động vốn rẻ hơn cho FE Credit từ cả trong và ngoài nước.

11. Startup của năm: Sky Mavis

Kể từ giữa năm 2021, thị trường game toàn cầu không thể bỏ qua cái tên Axie Infinity, một tựa game được sáng tạo bởi đội ngũ với phần lớn là người Việt Nam.

Ra mắt năm 2018, phải mất đến 3 năm Axie Infinity mới có thể đạt đến “điểm bùng phát” và trở nên phổ biến. Nhà sáng lập Axie Infinity là Sky Mavis, công ty có trụ sở tại Singapore nhưng đội ngũ phát triển làm việc tại TP HCM.

Axie Infinity khiến cho khái niệm “Play to Earn” trở nên phổ biến, tức là chơi game và có thể kiếm được tiền. Tại Philippines, một số người chơi cho biết kiếm được số tiền từ chơi Axie Infinity còn nhiều hơn thu nhập trung bình hàng tháng. Thậm chí có trường hợp người chơi còn mua được nhà.

Cơn bão Axie Infinity bắt đầu bùng nổ từ tháng 6/2021. Đồng AXS – một trong hai token trong game giúp người sở hữu có thể đưa ra những biểu quyết vấn đề quan trọng của giao thức tăng giá mạnh, từ mức chỉ hơn 3 USD lên cao nhất 160 USD vào ngày 7/11/2021. Vốn hoá của đồng AXS tăng lên tương ứng gần 10 tỷ USD.

Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin

  • Mở tài khoản chỉ mất vài phút
  • Đầu tư tích lũy chỉ từ 10.000đ
  • Học kiến thức và theo dõi tin tức cùng Cộng đồng miễn phí

Đăng ký cập nhật thông tin từ Anfin

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới nhất.
send

Cảm ơn bạn đã đăng ký

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới.

Tải Anfin ngay để bắt đầu hành trình
đầu tư an toàn và đơn giản ..