Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin
- Mở tài khoản chỉ mất vài phút
- Đầu tư tích lũy chỉ từ 10.000đ
- Học kiến thức và theo dõi tin tức cùng Cộng đồng miễn phí
Giảm phát và lạm phát vốn là hai thuật ngữ kinh tế quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính, đầu tư của mỗi cá nhân. Bài viết sau sẽ giải thích chi tiết hơn về giảm phát, nguyên nhân và hậu quả của nó, cùng với sự khác biệt giữa giảm phát và lạm phát.
1. Giảm phát là gì?
Giảm phát (Deflation) là tình trạng giảm giá của hàng hóa và dịch vụ diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian dài. Trong thời kỳ giảm phát, giá cả giảm nhưng sức mua của đồng tiền tăng lên, nói cách khác, cùng một đơn vị tiền tệ có thể mua được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn. Giảm phát thường xảy ra khi nền kinh tế đang trải qua một cuộc suy thoái hoặc khi nguồn cung vượt quá nhu cầu.
Nhìn theo hướng tổng thể, sự giảm giá của các hàng hóa dịch vụ là tín hiệu tốt vì nó mang lại cho người tiêu dùng sức mua lớn hơn. Sự giảm giá liên tục không chỉ cho phép người dân tiêu thụ nhiều hơn mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, trong một số trường hợp, giảm phát nhanh có thể liên quan đến sự suy giảm ngắn hạn của hoạt động kinh tế.
2. Nguyên nhân của giảm phát
Theo định nghĩa nói trên, giảm phát thường xảy ra do 2 nguyên nhân chính: sự gia tăng cung hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất hiện tình trạng giảm cung tiền và tín dụng.
Sự gia tăng về cung hàng hóa và dịch vụ có thể xảy ra do tăng trưởng năng suất. Khi công nghệ ngày càng tiến bộ và được áp dụng vào sản xuất, chi phí sẽ giảm từ đó kéo theo giá hàng hóa giảm, năng suất tăng. Doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều hàng hóa dịch vụ hơn với chi phí không tăng.
Tình trạng giảm cung tiền và tín dụng có thể xảy ra do chính sách của ngân hàng trung ương. Hiện nay, hầu hết lượng cung tiền đều được quản lý bởi ngân hàng trung ương. Trong trường hợp cung tiền và tín dụng giảm mà không có sự giảm sản xuất kinh tế tương ứng thì giá cả hàng hóa cũng có xu hướng giảm, gây ra tình trạng giảm phát.
3. Ảnh hưởng của tình trạng giảm phát
Như đã đề cập ở trên, giảm phát có thể là tín hiệu khả quan khi sức mua của đồng tiền tăng, người tiêu dùng có thể mua được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn với cùng một khoản tiền. Tuy vậy, giảm phát vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng: ở giai đoạn đầu của giảm phát, thu nhập của người tiêu dùng vẫn ổn định trong khi giá cả giảm. Sau đó, sự giảm giá chung của các hàng hóa dịch vụ dần ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các công ty. Để kiểm soát được doanh thu, các công ty buộc phải cắt giảm lương, sa thải bớt nhân viên. Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Nợ tăng: trong thời kỳ giảm phát, người đi vay thực tế sẽ phải trả một khoản nợ cao hơn so với số tiền ban đầu họ đi vay, vì thực tế lúc này giá trị của đồng tiền đã tăng.
Giá cổ phiếu giảm: trong dài hạn, giảm phát ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kéo theo lợi nhuận sụt giảm. Điều này sẽ tác động trực tiếp vào giá cổ phiếu trên thị trường.
Nhu cầu hàng hóa tiếp tục giảm: người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua sắm vì kỳ vọng giá sẽ còn giảm trong tương lai. Vì thế, nhu cầu hàng hóa sẽ tiếp tục giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
4. Sự khác biệt giữa giảm phát và lạm phát
Sự khác biệt cơ bản giữa giảm phát và lạm phát được hiểu như sau: lạm phát xảy ra khi giá cả của hàng hóa và dịch vụ tăng, trong khi giảm phát xảy ra khi giá giảm xuống. Sự cân bằng giữa hai điều kiện kinh tế này được ví như hai mặt của cùng một đồng xu. Nền kinh tế có thể nhanh chóng chuyển đổi từ tình trạng lạm phát sang giảm phát hoặc ngược lại.
Giảm phát và lạm phát đều có thể gây hại cho nền kinh tế, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ.
Cần phân biệt giữa giảm phát và giảm lạm phát. Giảm lạm phát là quá trình giảm tốc độ tăng giá của hàng hóa dịch vụ, khác với giảm phát. Giảm lạm phát thường được coi là tích cực hơn so với giảm phát vì nó cho phép nền kinh tế duy trì sự ổn định giá cả mà không cần giảm giá.
5. Ví dụ thực tế về các đợt giảm phát trong quá khứ
Đại khủng hoảng kinh tế (Great Depression)
Trong giai đoạn những năm 1930 - 1933, giảm phát đã xảy ra ở thời điểm đầu của cuộc đại khủng hoảng, gây ra tình trạng giảm giá đáng kể nhất mà Hoa Kỳ từng trải qua. Giá cả giảm trung bình gần 7% mỗi năm. Trong thời gian dài, nền kinh tế đã phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Khủng hoảng kinh tế Nhật Bản những năm 1990
Nhật Bản đã trải qua một đợt giảm phát kéo dài trong những năm 1990. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm phát ở Nhật Bản trong thời kỳ này bao gồm bong bóng bất động sản, tăng trưởng kinh tế chậm, kích thích kinh tế không hiệu quả. Những hậu quả của đợt giảm phát này làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và dẫn đến suy thoái kinh tế kéo dài.
Hy vọng bài viết đã đem đến cho nhà đầu tư những thông tin chi tiết về giảm phát và sự khác nhau giữa giảm phát, lạm phát.
Truy cập ngay ứng dụng Anfin để có được trải nghiệm đầu tư tài chính an toàn, nhanh chóng và tiện lợi nhất!