Tổng quan tình hình biến động Trái Phiếu 9 tháng đầu năm
Tổng quan tình hình phát hành và giao dịch Trái phiếu tại Việt Nam 9 tháng đầu năm. Trái phiếu doanh nghiệp bước vào giai đoạn áp lực đảo nợ. Trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ phát hành thấp hơn kế hoạch.
Người mua trái phiếu là ai
Trong quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính quy định rõ đối tượng được phép mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chứ không dành cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu hiện nay khá “bát nháo”, người mua tìm cách để có chứng nhận đầu tư chuyên nghiệp, thông qua hợp đồng hợp tác hoặc ủy thác, còn doanh nghiệp thì quảng cáo mức lãi suất cao nhưng không niêm yết hoặc có tài sản đảm bảo. Đặc biệt, nhiều người tìm đến TPDN mà không tìm hiểu thông tin rõ ràng, chỉ thông qua đội ngũ nhân viên phòng giao dịch ngân hàng hoặc môi giới của các công ty chứng khoán.
Việc mua trái phiếu theo phong trào khiến cho nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì không có đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài Chính, trong 7 tháng đầu năm 2022. nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu chiếm đến 10.1% tổng số lượng phát hành trên thị trường sơ cấp. Tổ chức tín dụng mua 46.1% còn công ty chứng khoán mua 22.4%. Tại thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân lên đến 32.6% vì đa phần các công ty chứng khoán bán lại trái phiếu.
Tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước năm 2021 là 658.000 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành có chất lượng cao chiếm 5%, còn lại đến 95% là lượng trái phiếu riêng lẻ, trong đó đến 49% khối lượng phát hành mà không có tài sản đảm bảo. Ngay cả các trái phiếu có tài sản đảm bảo cũng tập trung vào các dự án hoặc tài sản trong tương lai, khó định giá hoặc biến động theo thị trường hàng ngày.
Tình hình phát hành trái phiếu 9 tháng đầu năm 2022
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị phát hành TPDN giảm 44%, còn 248.603 tỷ đồng; trong đó trái phiếu phát hành riêng lẻ giảm 42% còn 240.804 tỷ đồng, trái phiếu phát hành công chúng giảm 67% còn 7.799 tỷ đồng.
Top 5 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trong ba quý đầu năm 2022 là:
- NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (19.872 tỷ đồng)
- Tập đoàn Vingroup và các công ty con (16.569 tỷ đồng)
- Tập đoàn Địa ốc NOVA và các công ty con (15.157 tỷ đồng)
- NHTMCP Phương Đông (12.300 tỷ đồng)
- NHTMCP Á Châu (10.450 tỷ đồng).
Trong quý 3, có 42 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm 51% so với quý 2, và giảm đến 71% cùng kỳ năm 2021. Tài chính - ngân hàng là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất với 82.5%, tương đương 48.683 tỷ đồng, bao gồm các ngân hàng:
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (6.867 tỷ đồng)
- Ngân hàng TMCP Phương Đông (6.600 tỷ đồng)
- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (4.210 tỷ đồng)
- Ngân hàng TMCP Á Châu (3.800 tỷ đồng)
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (3.694 tỷ đồng)
- Ngân hàng TMCP Quân đội (3.630 tỷ đồng).
Giá trị và tỷ lệ phát hành TPDN - Nguồn Fiinpro.
Bất động sản có tổng giá trị phát hành trái phiếu là 8.091 tỷ đồng, chiếm 13.7%, nhưng giảm 45.9% so với quý 2, và giảm đến 90,9% cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp có số lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất trong quý là:
- Công ty TNHH No Va Thảo Điền (2.300 tỷ đồng)
- CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.285,6 tỷ đồng)
- CTCP Fuji Nutifood (1.000 tỷ đồng).
Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp
Các tập đoàn đa ngành có sự sụt giảm mạnh, chỉ có CTCP Tập đoàn Masan phát hành trong quý 3, giá trị phát hành riêng lẻ giảm đến 89.5% so với quý trước đó, giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng.
Các ngành còn lại chiếm 1.3% tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ, chỉ khoảng 758 tỷ đồng, giảm đến 94% so với quý 2. Doanh nghiệp nổi bật là CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast với 300 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo với 290 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm.
Áp lực đảo nợ trái phiếu từ quý 4/2022
Thị trường trái phiếu chịu tác động mạnh từ Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, hiệu lực ngày 16/9. Quy định này bắt buộc doanh nghiệp mua lại TPDN trước hạn trong trường hợp vi phạm phương pháp phát hành.
Nghị định 65 vẫn cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm mục tiêu đảo nợ nhưng chủ trong nội bộ doanh nghiệp.
Giá trị đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp riêng trong năm 2022 là khoảng 35 ngàn tỷ đồng nâng lên đến hơn 60 ngàn tỷ đồng vào năm 2023. Áp lực đảo nợ vẫn còn rất lớn cho dù đã áp dụng hoạt động mua lại trong thời gian gần đây.
Áp lực này còn lớn hơn khi thị trường trái phiếu dần thu hẹp từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại.
Khối lượng TPDN đáo hạn
Những sai phạm hiện nay liên quan đến việc phát hành trái phiếu khiến cho hoạt động giám sát quản lý ngày càng chặt chẽ hơn để đảm bảo thị trường vốn trong dài hạn. Tuy nhiên, các bên liên quan như đơn vị phát hành, doanh nghiệp tư vấn, nhà đầu tư vẫn chưa thích nghi hoàn toàn với sự thay đổi này, dẫn đến sự trầm lắng trong hoạt động giao dịch TPDN.
Thị trường trái phiếu Chính phủ: tỷ lệ phát hành thành công thấp hơn kế hoạch
Trong 9 tháng đầu năm, toàn thị trường sơ cấp đạt 111.722 tỷ đồng, hoàn thành 28% kế hoạch.
So với quý 2, thị trường trái phiếu Chính phủ đạt tổng giá trị phát hành trong quý là 46.195 tỷ đồng, tăng 39%. Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp là 408.810 tỷ đồng, giảm 25%. Các giao dịch mua bán thông thường (outright) chiếm 47%, giao dịch repo chiếm 53%.
Thị trường trái phiếu Chính phủ cũng ghi nhận tỷ lệ bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài khoảng 1.971 tỷ đồng, nâng tổng mức giá trị trong 9 tháng đầu năm lên 4.139 tỷ đồng.
Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin
- Mở tài khoản chỉ mất vài phút
- Đầu tư tích lũy chỉ từ 10.000đ
- Học kiến thức và theo dõi tin tức cùng Cộng đồng miễn phí