"Kim Loại Giảm Sau Khi Công Bố Dữ Liệu Sản Xuất Mỹ"

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/03, hầu hết các mặt hàng đều giảm giá sau khi dữ liệu lạm phát sản xuất tại Mỹ trong tháng 2 cao hơn dự báo. Giá bạc giảm từ mức đỉnh 3 tháng, giảm 0,38% xuống 25,06 USD/ounce. Giá bạch kim giảm gần 1% xuống 935,7 USD/ounce.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 của Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo và tăng tốc từ mức 0,3% ghi nhận trong tháng 1. Chỉ số PPI lõi, loại bỏ biến động giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.

Kết hợp với báo cáo lạm phát giá tiêu dùng tăng vượt dự kiến được công bố trước đó, các nhà đầu tư dường như trở nên nghi ngờ về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất từ ​​Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay.

Công cụ theo dõi FED watch của CME Group cho thấy ý kiến về việc giữ nguyên lãi suất 5,25 – 5,50% trong cuộc họp tháng 6 đã tăng từ 34,8% lên 40,5%. Đồng USD cũng được củng cố trong phiên hôm qua, với chỉ số Dollar Index tăng 0,56%, từ đó gây áp lực tới nhóm kim loại nói chung và kim loại quý nhạy cảm với lãi suất như bạc và bạch kim nói riêng do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn. Sức cạnh tranh tương đối của kim loại quý so với đồng USD và lãi suất cũng bị hạn chế.

Đối với thị trường kim loại cơ bản, Giá đồng COMEX, đã giảm 0,36% xuống 4,04 USD/pound sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tháng. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này được cho là do áp lực vĩ mô gia tăng và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.

Đối với Trung Quốc, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ kim loại càng gia tăng do thiếu động lực kích thích từ chính phủ, tình trạng tiêu thụ kém sắc và lượng tồn kho cao. Theo dữ liệu từ Mysteel, một công ty tư vấn về kim loại của Trung Quốc, tổng lượng tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy thép Trung Quốc đã tăng 4% so với ngày 29/2, đạt mức cao nhất trong 5 tháng.

Giá quặng sắt cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những yếu tố này. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã giảm 2,27% xuống còn 102,37 USD/tấn.

Nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc đã đóng cửa để bảo trì trong thời gian này, góp phần làm giảm nhu cầu quặng sắt. Tình trạng tiêu thụ thép cũng đang ở mức thấp do hoạt động xây dựng chậm lại.

Đăng ký cập nhật thông tin từ Anfin

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới nhất.
send

Cảm ơn bạn đã đăng ký

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới.