Thị trường nông sản khép lại phiên giao dịch ngày 14/03 với 4/5 mặt hàng ghi nhận giảm giá. Lúa mì là mặt hàng dẫn dắt đà suy yếu của cả nhóm, khi lao dôc tới 2,2% vào hôm qua chủ yếu do nguồn cung dồi dào từ Nga
Lúa Mỳ Nga chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường quốc tế và người mua Trung Quốc hủy hàng loạt đơn mua lúa mì trước đó, giá lúa mì CBOT đã chịu áp lực lớn. Cụ thể, IKAR dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 24/25 của Nga sẽ đạt 93 triệu tấn, cao hơn so với mức 91,6 triệu tấn của niên vụ trước. Để chuẩn bị cho vụ mùa bội thu sắp tới, Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu lượng tồn kho, gây áp lực lên giá toàn cầu giảm mạnh. Điều này dẫn đến động thái ồ ạt hủy mua hàng của Trung Quốc. Các thương nhân châu Á cho biết, người mua Trung Quốc gần đây đã hủy hoặc hoãn thời gian nhận hàng đối với khoảng 1 triệu tấn lúa mì từ Australia, vốn dự kiến được vận chuyển trong giai đoạn tháng 2 - tháng 4. Trước đó, nước này cũng đã hủy mua 504.000 tấn lúa mì niên vụ 23/24 từ Mỹ.
Sau 4 phiên giằng co, giá Ngô đã giảm mạnh. Theo dự báo của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 24/25 sẽ đạt 1,233 tỷ tấn, cao hơn so với niên vụ trước. Tuy nhiên, doanh số bán hàng ngô của Mỹ tăng 15,7% trong tuần trước, giúp hỗ trợ giá ngô phần nào.
Giá đậu tương giảm nhẹ 0,13%. Doanh số bán hàng đậu tương của Mỹ giảm 38,7% trong tuần đầu tiên của tháng 3. Việc thu hoạch đậu tương Brazil tăng mạnh từ tháng này cũng khiến giá đậu tương Mỹ chịu áp lực cạnh tranh.
Kết luận: Thị trường lúa mì và ngô đang chịu áp lực bởi nguồn cung dồi dào. Nhu cầu tiêu thụ đậu tương Mỹ giảm do nguồn cung từ Brazil tăng cao.