<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=3257513757820642&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Nguồn gốc và sự hình thành của thị trường chứng khoán

Bạn có biết thị trường chứng khoán (TTCK) đã ra đời từ thế ký 15?

thị trường chứng khoán thế giới

Khi nhắc đến TTCK, mọi người thường hay nghĩ đến cổ phiếu. Những người đầu tư cũng rất khó có thể hình dung ra thời điểm mà sàn giao dịch chứng khoán không phải là để mua bán cổ phiếu. Nhưng thực tế không phải từ khi mới hình thành, TTCK đã có những giao dịch toàn cầu phức tạp như hiện nay. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi ban đầu, thị trường này hình thành một cách rất sơ khai, thậm chí các nhà đầu tư còn giao dịch ở quán cafe.

Để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, mời các bạn đọc qua bài viết này của Anfin nhé!

Hoạt động giao dịch trước khi có TTCK 

Các TTCK thật sự hình thành từ những năm 1500. Nhưng trước đó có rất nhiều ví dụ về các giao dịch tương tự như trên TTCK.

Cụ thể như vào những năm 1100 ở Pháp, Courratiers de Change (những người trao đổi tiền) đã thay mặt các ngân hàng quản lý và điều chỉnh các khoản nợ của cộng đồng nông nghiệp trên khắp đất nước. Courratiers de Change có thể được xem như những nhà môi giới đầu tiên, vì họ chuyên giải quyết và trao đổi các khoản nợ với nhau.

Vào thế kỷ 13, các thương nhân người Venice (Ý) đã bắt đầu kinh doanh công trái nhà nước với tư cách là bá tước. Vào năm 1351, chính quyền Venice đã phải chặn sự lan truyền của những tin đồn thất thiệt nhằm mục đích làm giảm giá trị ngân quỹ của Chính phủ. Sau đó, trong suốt thế kỷ 14, các chủ ngân hàng ở các thành phố Pisa, Verona, Genoa và Florence của Ý cũng bắt đầu kinh doanh công trái nhà nước. Việc này rất khả thi ở các thành phố này, vì những nơi này được điều hành bởi một nhóm người có ảnh hưởng chứ không phải một quốc vương.

Thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới

Người ta cho rằng vào những năm 1400 và 1500, các TTCK đầu tiên trên thế giới ra đời ở thành phố Bruges, Bỉ và các thành phố Flanders, Ghent, Rotterdam ở Hà Lan.

Nhưng trên thực tế, thành phố Antwerp của Bỉ mới là nơi có thị trường chứng khoán đầu tiên. Nhiều người hay hiểu lầm khi cho rằng tại Bruges vào cuối thế kỷ 13, các thương nhân thường tụ tập buôn bán với nhau trong tòa nhà của một người đàn ông có tên Van der Beurze. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa nhà của gia đình Van der Beurze nằm ở Antwerp, và đây mới là nơi diễn ra những buổi họp chợ của các thương nhân. Nhà Van der Beurze coi Antwerp là địa điểm chính để trao đổi hàng hóa. Ý tưởng này nhanh chóng lan rộng khắp Flanders, Hà Lan và sang cả những nước xung quanh.

Tất cả các thị trường chứng khoán sơ khai này đều không có cổ phiếu, thứ khi ấy còn chưa tồn tại. Thay vào đó, người môi giới và cho vay tập trung lại đây để giao dịch các món nợ của công ty, Chính phủ và cả nợ cá nhân.

Công ty giao dịch công khai đầu tiên trên thế giới

Vào những năm 1600, Hà Lan, Anh và Pháp cử hạm đội sang Đông Ấn, khi phát hiện ra nơi đây có rất nhiều cơ hội giao thương. Các nhà thám hiểm sau đó cũng lần lượt chèo thuyền sang đây. Nhưng không may, vì có quá nhiều rủi ro như cướp biển và thời tiết, rất ít người trong số này có thể trở về. Lúc này, những chủ tàu nhận ra họ cần làm gì đó để giảm thiểu rủi ro mất tàu dẫn đến mất công ăn việc làm.

chứng khoán thế giới

Từ đó, các chủ tàu thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn để huy động tiền từ các nhà đầu tư cho những chuyến đi, như cách các công ty hiện nay huy động tiền trên thị trường chứng khoán qua cổ phiếu. Số tiền này dùng để trang bị những đồ dùng cần thiết cho tàu và thủy thủ đoàn để giảm rủi ro. Nếu chuyến đi thành công, những nhà đầu tư sẽ chia lợi nhuận đoàn tương ứng với phần vốn góp. Các công ty này thường chỉ hoạt động cho một chuyến đi. Sau đó chúng được giải thể, và một công ty khác lại được thành lập cho chuyến đi kế tiếp. 

Theo ghi nhận lịch sử, các chuyến hải hành đầu tiên của Anh đến Ấn Độ Dương không thành công, tàu đắm còn tài sản cá nhân của những người đi huy động vốn bị chủ nợ tịch thu. Vì vậy, một nhóm thương nhân London đã cùng lập nên một công ty mang tên “Thống đốc và nhóm thương nhân London giao thương với Đông Ấn” vào năm 1600. Công ty này giới hạn trách nhiệm của mỗi thành viên theo số tiền họ đầu tư. Nếu chuyến đi thất bại, luật pháp chỉ có thể tịch thu số tiền trên. Đây là công ty Đông Ấn nổi tiếng và là công ty đầu tiên chính thức sử dụng hình thức trách nhiệm hữu hạn.

Sau đó, có nhiều công ty TNHH Đông Ấn khác được thành lập. Đến năm 1602, công ty Đông Ấn Hà Lan chính thức trở thành công ty giao dịch công khai đầu tiên trên thế giới khi phát hành cổ phiếu của công ty qua Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam. 

Giao dịch cổ phiếu ở quán cafe

Trước khi các nhà đầu tư tranh nhau mua bán trên các sàn giao dịch, họ đã giao dịch tại các quán cafe. Vì cổ phiếu của các công ty Đông Ấn ban đầu được viết tay trên các tờ giấy, các nhà đầu tư có thể mua bán những cổ phiếu này với các nhà đầu tư khác. Nhưng khi đó, không có sàn giao dịch chứng khoán, vì vậy nhà đầu tư sẽ phải thực hiện giao dịch thông qua nhà môi giới. Ở Anh, hầu hết các nhà môi giới và nhà đầu tư đã giao dịch tại các quán cafe khắp London. 

Khi ấy, nếu một công ty muốn bán cổ phiếu hay phát hành nợ, họ dán thông báo trên cửa các quán cafe hay gửi thư qua đường bưu điện. 

Đợt bong bóng thị trường đầu tiên

Lúc bấy giờ, công ty Đông Ấn của Anh - công ty độc quyền được Chính phủ hậu thuẫn, là một trong những công ty có lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong lịch sử tài chính. Khi các nhà đầu tư của công ty này bắt đầu nhận được khoản cổ tức “hậu hĩnh” và bán cổ phiếu của họ để thu lợi, các nhà đầu tư khác cũng ao ước được như vậy. Vì vậy, họ đã bắt đầu chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không theo một quy định hay luật lệ nào. 

Trong đó, có công ty South Seas (SSC), công ty được mở và phát hành cổ phiếu chỉ sau một đêm. Các cổ phiếu này được bán ngay sau khi chúng được niêm yết. Từ đó, SSC đã có thể kiếm được hàng nghìn bảng Anh của các nhà đầu tư trước cả thời điểm con tàu đầu tiên rời cảng. SSC đã dùng tiền này để mở các văn phòng sang trọng ở những vị trí đắc địa của London.

Bị kích thích bởi sự thành công của SSC, và nhận ra SSC chẳng làm gì mà vẫn có thể kiếm được bộn tiền từ việc phát hành cổ phiếu, các "doanh nhân" khác đã lao vào chào bán cổ phiếu mới trong liên doanh của họ. Từ đó, chẳng ai phân biệt được các công ty phát hành cổ phiếu hợp pháp và bất hợp pháp. Kết quả là “bong bóng nhanh chóng vỡ ra”. Cả SSC và các công ty này không thể trả cổ tức cho các nhà đầu tư. Vì sự kiện này, Chính phủ Anh đã cấm phát hành cổ phiếu cho đến năm 1825.

Như vậy, vào ban đầu, thị trường chứng khoán trên thế giới chỉ hình thành một cách tự phát. Đối tượng tham gia chủ yếu là các nhà đầu cơ, dần dần về sau mới có sự tham gia ngày càng đông đảo của mọi người trong xã hội. Khi thị trường phát sinh vấn đề, Chính phủ buộc phải can thiệp bằng cách tạm ngưng hoạt động, hoặc thành lập các cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng đầu tư. Về sau, dần dần hệ thống pháp lý cũng bắt đầu được ban hành.

Xem thêm: Đầu cơ là gì trong thị trường chứng khoán? Đầu cơ như thế nào để mang lại hiệu quả? Hãy cùng Anfin tham khảo bài viết để tìm ra câu trả lời nhé!

Sự ra đời của những SGDCK đầu tiên và có sức ảnh hưởng

Ở phần này, chúng ta sẽ cùng điểm qua các SGDCK đầu tiên trên thế giới. Ban đầu, việc giao dịch tại các SGDCK này vô cùng đơn giản. Các nhà đầu tư giao dịch với nhau bằng những ký hiệu giao dịch bằng tay và có thư ký nhận lệnh của khách hàng. Dần dần, hình thức giao dịch điện tử mới ra đời và được phát triển như hiện nay.

Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam

Được thành lập vào năm 1602, cùng với sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan, SGDCK Amsterdam được coi là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên và lâu đời nhất. Tại đây, diễn ra các giao dịch của trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu của các công ty. SGDCK Amsterdam cũng được cho là nơi đầu tiên cho phép giao dịch liên tục, bán khống cổ phiếu, hoán đổi nợ-cổ phiếu… như ngày nay. Hiện SGDCK Amsterdam vẫn còn hoạt động.

Tuy ra đời sớm nhưng SGDCK Amsterdam không được biết đến nhiều như SGDCK New York hay London.

đầu tư chứng khoán thế giới

Sở giao dịch chứng khoán London (LSE)

Hình thức giao dịch phi tập trung tại các quán cà phê London vẫn được duy trì cho đến khi có một đám cháy ở Change Alley vào năm 1748. Đến năm 1773, một nhóm giao dịch viên giàu có đã dành ra một tòa nhà làm nơi giao dịch. Từ đây mở ra một thời gian dài nước Anh trở thành thủ đô tài chính của thế giới. 

Đến năm 1801, bất chấp lệnh cấm phát hành cổ phiếu, Sở giao dịch chứng khoán London chính thức được thành lập. Vì các công ty không được phép phát hành cổ phiếu cho đến năm 1825, nên sàn giao dịch này giao dịch rất hạn chế. 

Hiện này, LSE là sàn giao dịch chứng khoán chính ở Anh và lớn nhất ở châu Âu.

Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

NYSE ra đời năm 1792 trên phố Wall. Trong khi SGDCK London bị ràng buộc bởi luật hạn chế cổ phiếu, thì NYSE đã giao dịch cổ phiếu ngay từ ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, NYSE không phải là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Mỹ. Vinh dự đó thuộc về Sở giao dịch Philadelphia. Nhưng NYSE mới là sàn giao dịch chứng khoán mạnh nhất trong nước. Vì sàn giao dịch này tọa lạc ngay New York, trung tâm của gần như mọi giao dịch và buôn bán của nước Mỹ tại thời điểm đó. Trong giai đoạn 1896-1901, khối lượng giao dịch chứng khoán của sàn tăng 6 lần. 

thị trường thế giới chứng khoán

Đến nay, NYSE là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết, ước tính khoảng 28,5 nghìn tỷ USD vào tháng 06/2018.

Sở giao dịch chứng khoán NASDAQ

Nasdaq là sản phẩm của Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán quốc gia (NASD) - hiện là Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA). Ngay từ khi thành lập, sở giao dịch này đã hoạt động theo một hình thức khác với các sàn giao dịch thông thường. Đây là sở giao dịch chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới. Thay vì để người bán và người mua nhờ người môi giới xác định giá cổ phiếu, NASDAQ dựng một tấm bảng điện tử lớn niêm yết giá và sự biến động theo thời gian thực. 

Từ đó, NASDAQ đã phát triển và đưa ra các hệ thống giao dịch tự động cho phép nhà đầu tư tự mua bán cổ phiếu của mình dựa trên các tiêu chuẩn định trước. NASDAQ cũng cho ra đời Hệ thống đặt lệnh quy mô nhỏ (SOES), cho phép nhà đầu tư cá nhân đặt lệnh từ 1.000 cổ phiếu trở xuống một cách tự động. Các chức năng tự động của thị trường chứng khoán hiện nay phần lớn cũng đều bắt nguồn từ phát minh của NASDAQ.

đầu tư chứng khoán trên thế giới

Giao dịch điện tử đã mang lại cho NASDAQ một số lợi thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là làm giảm chênh lệch giá mua - giá bán. Trong những năm qua, sự cạnh tranh giữa Nasdaq và NYSE đã khuyến khích cả hai sàn giao dịch đổi mới và mở rộng. Vào năm 2007, NYSE đã hợp nhất với Euronext để tạo ra NYSE Euronext - sàn giao dịch chứng khoán xuyên Đại Tây Dương đầu tiên trên thế giới.

Tóm lại…

Như vậy, có thể thấy thị trường chứng khoán đã có từ rất lâu đời. Quá trình phát triển của thị trường này cũng đã trải qua nhiều giai đoạn trầm bổng. Thời kỳ phát triển nhất là vào những năm 1975 - 1913 cùng với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giai đoạn từ 29/10/1929 - 19/10/1987, lịch sử cũng ghi nhận hai đợt khủng hoảng lớn khi các TTCK lớn ở Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu và Nhật Bản bị sụp đổ. Nhưng dù trải qua các đợt khủng hoảng, thị trường vẫn khoán vẫn phục hồi và tiếp tục phát triển. Hiện đầu tư vào TTCK cũng là một trong những hình thức đầu tư hiệu quả nhất hiện nay.

Đầu tư tích lũy đơn giản và nhanh chóng với Anfin

  • Mở tài khoản chỉ mất vài phút
  • Đầu tư tích lũy chỉ từ 10.000đ
  • Học kiến thức và theo dõi tin tức cùng Cộng đồng miễn phí

Đăng ký cập nhật thông tin từ Anfin

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới nhất.
send

Cảm ơn bạn đã đăng ký

Anfin sẽ thường xuyên cập nhật qua email cho bạn những thông tin và bài viết mới.

Tải Anfin ngay để bắt đầu hành trình
đầu tư an toàn và đơn giản ..